Mỹ: ‘Tối hậu thư’ khoét sâu căng thẳng Trump – WHO

(Báo Mỹ) – Cùng ngày ông Tập cam kết góp 2 tỷ USD cho WHO chống Covid-19, Trump gửi “tối hậu thư” 4 trang để chỉ trích và đe dọa tổ chức này.

Nội dung bức thư gửi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng lên Twitter tối 18/5, nêu chi tiết những vấn đề mà ông quả quyết hồi tháng 4, khi tuyên bố ngừng đóng góp ngân sách cho WHO trong 60 ngày với cáo buộc tổ chức này thiên vị Trung Quốc trong quá trình phản ứng với Covid-19.

Trong lá thư mới gửi, ông chủ Nhà Trắng còn đe dọa nếu WHO không “cam kết cải thiện đáng kể” trong vòng 30 ngày tới, Mỹ sẽ cắt vĩnh viễn viện trợ cho tổ chức và “xem xét lại” tư cách thành viên của họ.

Động thái được Trump đưa ra trong bối cảnh các thành viên WHO đang dự cuộc họp trực tuyến của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết sách của WHO, nhằm thúc đẩy phản ứng quốc tế với Covid-19.

Tuy nhiên, căng thẳng Mỹ – Trung được cho là lấn át những vấn đề khác, bao gồm việc các nước thông qua nghị quyết mở cuộc điều tra toàn cầu về đại dịch, khiến WHO bị mắc kẹt ở giữa.

“WHA đã bị biến thành một sân khấu chính trị. Điều đáng lo là nó lại diễn ra giữa đại dịch Covid-19”, Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, Mỹ, người cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho WHO, nhận định.

Các bình luận viên của Washington Post cho rằng ý nghĩa lá thư Trump gửi cho WHO rất rõ ràng, đó là nếu tổ chức này không thay đổi, Mỹ sẽ rút lui. Tuy nhiên, Trump không nói rõ WHO phải thay đổi gì để được Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất của họ, cấp tiền trở lại.

Trump cho biết những cuộc thảo luận giữa Washington với các lãnh đạo WHO đang được tiến hành, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Trong khi đó, WHO cho hay họ “đang xem xét nội dung bức thư”.

Luận điểm trung tâm của Trump trong thư là WHO đã xử lý khủng hoảng một cách sai lầm, khi họ đồng tình với đánh giá nCoV “không lây từ người sang người” được Trung Quốc đưa ra trong những tuần đầu.

“Rõ ràng những sai lầm lặp đi lặp lại của ông và tổ chức khi phản ứng với đại dịch đã khiến thế giới phải trả giá quá đắt”, Trump viết, đề cập đến Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Nhiều chính phủ, nhà nghiên cứu và chuyên gia y tế cộng đồng cũng từng ngỡ ngàng trước việc WHO không bày tỏ hoài nghi nhiều hơn về những tuyên bố của Trung Quốc hồi giữa tháng một, rằng không có bằng chứng nCoV lây từ người sang người.

Bức thư trình bày lại một số lo ngại cũ và bổ sung thêm các vấn đề mới, nhưng có những điều Trump nêu ra dường như không thực sự chính xác.

Ông cho biết WHO “phớt lờ những báo cáo đáng tin cậy về sự lây lan của virus ở Vũ Hán hồi đầu tháng 12/2019, thậm chí sớm hơn”, sau đó trích dẫn thông tin do tạp chí y khoa Lancet đăng tải để làm bằng chứng.

Tuy nhiên, Richard Horton, tổng biên tập Lancet, hôm 19/5 cho hay tạp chí này tới cuối tháng một mới xuất bản bài báo đầu tiên về Covid-19.

Trong thư, Trump còn chỉ trích WHO vì nhiều lần ca ngợi “sự minh bạch” của Trung Quốc, bất chấp bằng chứng cho thấy giới chức nước này “bịt miệng” những người tố giác và thống kê số ca nhiễm thấp hơn thực tế.

Tuy nhiên, bản thân Tổng thống Mỹ từng đưa ra tuyên bố tương tự. “Mỹ đánh giá rất cao những nỗ lực và sự minh bạch của Trung Quốc”, Trump hôm 24/1 đề cập đến cách Bắc Kinh xử lý Covid-19.

Tới ngày 7/2, Trump vẫn tuyên bố ông không lo ngại việc Bắc Kinh đang che giấu dịch bệnh. Ngày 26/3, ông nói Trung Quốc “đang làm việc rất miệt mài”, sau đó vào ngày 4/3 cho hay họ đã kiểm soát được tình hình.

Giới phê bình cho rằng nếu Trump làm đúng như lời đe dọa của ông, các chương trình y tế của WHO sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Bên cạnh khoản đóng góp bắt buộc nhằm duy trì tư cách thành viên, Mỹ còn cung cấp những khoản tài trợ tự nguyện lớn hơn, với tổng số tiền chiếm khoảng 15% ngân sách của tổ chức.

Trump khó có thể cắt khoản đóng góp bắt buộc nếu không được quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn ở khoản tài trợ tự nguyện do số tiền này nhằm phục vụ các chương trình của WHO, như xóa sổ bệnh bại liệt, chống lại những bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine, sốt rét, lao, HIV/AIDS, hoặc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản.

Có những dấu hiệu cho thấy Mỹ đang dần xa rời WHO. Các nguồn tin trong chính phủ Mỹ tiết lộ giới chức đang xem xét chuyển khoản ngân sách dành cho WHO sang những tổ chức y tế cộng đồng phi chính phủ khác.

Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây cũng không còn đề cập đến WHO trong những thông tin về nCoV.

Những động thái này làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ có thể đánh mất tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế vào tay Trung Quốc. Sau “tối hậu thư” của Trump, Bắc Kinh ngay lập tức công kích, cáo buộc Mỹ lợi dụng họ làm cái cớ để trốn tránh nghĩa vụ tài chính được các quốc gia thành viên WHO nhất trí.

“Việc Mỹ đơn phương ngừng đóng góp vi phạm nghĩa vụ quốc tế của chính họ. Chúng ta vẫn trong giai đoạn rất quan trọng. Ủng hộ WHO giúp duy trì chủ nghĩa đa phương, đồng thời hỗ trợ quá trình hợp tác quốc tế chống đại dịch và cứu lấy mạng sống của mọi người”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 19/5 cho hay, nói thêm rằng chính quyền Trump “đang cố đánh lạc hướng công chúng, bôi nhọ Trung Quốc và đổ lỗi vì phản ứng yếu kém của chính họ”.

Giới chuyên gia đánh giá hình ảnh của Mỹ tại cuộc họp WHA khá nhạt nhòa. Lãnh đạo Mỹ – Trung đều được mời, nhưng chỉ ông Tập phát biểu.

Truyền thông Trung Quốc mô tả Chủ tịch của họ là một lãnh đạo thế giới quan tâm tới cộng đồng toàn cầu, thêm rằng WHO là cơ quan điều phối không thể thiếu.

“Mỹ đã từ bỏ mọi tham vọng giữ vị thế lãnh đạo toàn cầu, cũng như chức năng khơi gợi cảm hứng toàn cầu của mình”, cựu thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt viết trong bài bình luận đăng trên Washington Post. “Đây là một thực tế rất mới, đáng buồn là như vậy”.

Theo Vnexpress

The post Mỹ: ‘Tối hậu thư’ khoét sâu căng thẳng Trump – WHO appeared first on Báo Mỹ.



source https://baomy.com/tin-nuoc-my/my-toi-hau-thu-khoet-sau-cang-thang-trump-who

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sài Gòn Báo

Kho tiền mặt của Chính phủ Mỹ còn bao nhiêu?

Úc gặp vấn đề vì quá nhiều kangaroo