5 chiêu trò lừa đảo phổ biến mà du học sinh Mỹ cần tránh

Các tổ chức lừa đảo thường nhắm vào đối tượng sinh viên hay du học sinh Mỹ cả tin cũng như thiếu kinh nghiệm để trục lợi bất chính. Dưới đây là các hành vi lừa đảo phổ biến mà các bạn du học sinh cần lưu ý tránh mất tiền oan trong giai đoạn khó khăn vì đại dịch.

Lừa đảo qua hình thức học bổng và hỗ trợ tài chính

Tại các trường đại học Mỹ, việc giành được học bổng là không nhiều và tương đối khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID kéo dài như hiện nay, việc giành được học bổng và hỗ trợ tài chính là niềm mơ ước của nhiều bạn.

Lợi dụng mong muốn này, nhiều nhóm lừa đảo đã đánh vào tâm lý của du học sinh – những người vẫn còn lạ lẫm với môi trường giáo dục đại học tại Mỹ.

những hình thức lừa đảo du học sinh Mỹ cần tránh
Các tổ chức, cá nhân lừa đảo thường nhắm vào đối tượng du học sinh còn đang bỡ ngỡ với môi trường giá dục tại Mỹ

Các đối tượng này thường cam kết giúp du học sinh nhận được học bổng, hỗ trợ tài chính nhanh nhất nhưng đồng thời phải đóng phí dịch vụ rất cao. Thực tế thì thủ tục xin học bổng và hỗ trợ tài chính có sẵn trên nhiều nguồn và hoàn toàn miễn phí.

Để tránh xa các trò gian lận, các bạn du học sinh nên điền đơn xin hỗ trợ tài chính trực tiếp trên trang web chính thức của FAFSA . Đây là trang web trợ giúp tài chính từ chính phủ cho sinh viên các trường ĐH, CĐ là người quốc tịch Mỹ hoặc có thẻ xanh tại Mỹ.

Đăc biệt, các bạn không nên cung cấp thông tin cá nhân của mình qua điện thoại, trừ khi liên lạc với những tổ chức uy tín.

Cẩn thận với các công việc làm thêm

Các bạn du học sinh sau khi đến Mỹ thường nhanh chóng tìm kiếm những công việc bán thời gian có tính linh hoạt với mức lương phải chăng để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên các bạn cần phải cân nhắc và kiểm tra kỹ trước một thông tin tuyển dụng được cho là “hời”. Bởi các nhóm lừa đảo có thể lập trang web, địa chỉ email giả mạo để lừa sinh viên chuyển tiền hoặc lấy thông tin ngân hàng.

Một hình thức lừa đảo khác là họ có thể giao việc quá khó, không thể hoàn thành dẫn đến bị trừ lương. Các bạn không nên tham gia bất kỳ công việc nào yêu cầu phải tạm ứng tiền hoặc cần đầy đủ thông tin cá nhân trước khi gặp mặt chính thức.

Để bảo vệ bản thân, các bạn du học sinh cần nghiên cứu kỹ lưỡng nơi làm việc trước khi nộp đơn ứng tuyển và cung cấp các thông tin cá nhân quan trọng. Hãy tìm kiếm tên công ty trên Internet, trên ứng dụng việc làm Linkedin để xác thực. Sinh viên có thể tìm tên công ty cùng từ khoá “scam” (lừa đảo), “fake” (giả mạo) hoặc tìm việc làm trên những trang web uy tín.

Đánh cắp thông tin qua khoản vay sinh viên

Tránh cung cấp thông tin cá nhân của mình qua điện thoại và các trang web không uy tín

Khoản vay sinh viên là một trong những dự án hỗ trợ sinh viên lớn nhất của Bộ Giáo dục Mỹ, được phối hợp tổ chức cùng chính quyền liên bang. Việc đăng ký thủ tục nhận khoản hỗ trợ này là hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên vì không có kinh nghiệm nên nhiều du học sinh bị các tổ chức, cá nhân yêu cầu thu phí và lừa đảo.

Nhiều nhóm lừa đảo còn ngon ngọt nói rằng khi đăng ký qua bên họ, sinh viên có thể được giảm các khoản thanh toán hàng tháng.

Khi đăng ký nhận khoản vay, sinh viên hãy theo dõi các trang web do chính quyền liên bang quản lý. Đặc biệt, không tiết lộ ID, mật khẩu tài khoản sinh viên và không trả bất kỳ khoản tiền nào để làm thủ tục đăng ký.

Lừa đảo thuê nhà

Tại Mỹ, việc tìm nhà trọ ngoài khuôn viên trường có giá cả phải chăng thường rất khó khăn. Một số nhóm lừa đảo chào mời cho thuê các căn hộ giá rẻ, tiện nghi nhằm lấy cắp tiền và thông tin cá nhân của du học sinh. Họ có thể thuyết phục các em trả tiền đặt cọc cho một ngôi nhà ma.

Vì vậy, du học sinh tuyệt đối không nên trả tiền thuê hoặc đặt cọc khi chưa được tham quan căn hộ. Các em có thể tìm kiếm địa chỉ ngôi nhà trên Internet hoặc đến tận nơi kiểm tra trước khi thực hiện giao dịch.

Thận trọng với sách giáo trình điện tử & Wifi miễn phí

Sách giáo trình đại học rất đắt và giá có thể tăng theo từng học kỳ. Nhiều sinh viên cố gắng cắt giảm chi phí bằng cách mua sách giáo trình cũ hoặc trang web bán sách có giá rẻ hơn thư viện nhà trường. Lợi dụng tâm lý này, nhiều kẻ lừa đảo đã lập trang web bán sách giả mạo.

Dù đã thanh toán, sinh viên sẽ không bao giờ nhận được sách như mong muốn. Ngoài ra, sinh viên cũng nên cẩn thận với sách giáo trình bản điện tử. Nếu mua sách điện tử, các em có thể chọn nhầm sách giả hoặc tải virus độc hại về máy tính.

Cách tốt nhất để tránh lừa đảo là mua sách giáo trình thông qua thư viện hoặc công ty xuất bản. Nhiều trường đại học cũng bán sách cũ với chi phí thấp cho tân sinh viên. Các em cũng có thể mượn sách trong thư viện.

Sinh viên thường muốn làm bài tập về nhà tại các điểm wifi công cộng, miễn phí. Nhưng tin tặc có thể lợi dụng lỗ hổng bảo mật tại các khu vực wifi công cộng để trích xuất thông tin cá nhân, tài chính hoặc ngân hàng của du học sinh.

Do vậy, khi sử dụng wifi công cộng, không bảo mật, sinh viên không nên truy cập vào tài khoản ngân hàng hoặc thông tin khoản vay sinh viên. Không sử dụng thẻ tín dụng, mua hàng qua wifi công cộng. Hãy tìm những điểm phát wifi được bảo vệ bằng mật khẩu và luôn kiểm tra kỹ kết nối trước khi sử dụng.

Theo GDTĐ

The post 5 chiêu trò lừa đảo phổ biến mà du học sinh Mỹ cần tránh appeared first on Báo Mỹ.



source https://baomy.com/du-hoc-my/5-chieu-tro-lua-dao-pho-bien-ma-du-hoc-sinh-my-can-tranh

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sài Gòn Báo

Kho tiền mặt của Chính phủ Mỹ còn bao nhiêu?

Úc gặp vấn đề vì quá nhiều kangaroo