Cuộc đời ‘nửa thực, nửa mê’ của siêu lừa nước Mỹ

Frank Abaganale, sống tại Mỹ, từng đóng giả thành phi công, bác sĩ, luật sư, giảng viên đại học… và sử dụng ngân phiếu giả ở khắp nơi trên thế giới.

Frank (trái) chụp ảnh cùng tài tử Leonardo Di Caprio, diễn viên thủ vai mình trong phim “Bắt tôi nếu có thể”.

Frank (trái) chụp ảnh cùng tài tử Leonardo Di Caprio, diễn viên thủ vai mình trong phim “Bắt tôi nếu có thể”.

Cuộc đời bôn ba của siêu lừa đã gây ra nhiều tranh cãi kể từ khi bộ phim chuyển thể “Bắt tôi nếu có thể” được phát sóng.

Tuổi thơ lừa đảo

Frank Abaganale sinh ra và lớn lên tại thành phố Bronxville, bang New York. Nạn nhân đầu tiên của Frank chính là cha hắn ta, một người Mỹ gốc Italy sở hữu cửa hàng nhỏ. Năm 15 tuổi, Frank được cha đưa cho một chiếc thẻ tín dụng để mua xăng nhưng chàng thanh niên đã giả chữ kí của cha rồi rút hơn 3.000 USD để tiêu xài.

Từ đó, Frank thường xuyên viết ngân phiếu giả để rút những khoản tiền không có thực trong tài khoản ngân hàng. Sau vài lần thành công trót lọt, Frank bị cảnh sát phát hiện nhưng chỉ bị phạt cảnh cáo. Frank tiếp tục nghĩ ra các mánh khóe mới để trục lợi.

Frank không bao giờ rút quá nhiều tiền tại cùng một ngân hàng. Hắn ta mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau, sử dụng một vài danh tính giả nhưng bị FBI bắt vào năm 16 tuổi. Tuy nhiên, Frank không phải nhận án phạt nặng do chưa thành niên.

Sau sự việc, Frank bỏ nhà ra đi với một cuốn ngân phiếu và 200 USD trong tài khoản. Hắn ta sống nhờ nhà của một người bạn tại thành phố New York. Thời gian đầu, Frank làm việc cho một công ty văn phòng phẩm nhờ kinh nghiệm làm việc trong cửa hàng của cha. Tuy nhiên, công việc này không bền lâu do Frank chưa có bằng tốt nghiệp cấp 3.

Nếu muốn kiếm nhiều tiền hơn, Frank không thể xin việc với hồ sơ của mình. Hắn ta quyết định khai khống 10 tuổi và phóng đại về trình độ học vấn. Không ai nghi ngờ về những lời nói dối này bởi lẽ Frank trông khá chín chắn so với tuổi thật của mình.

Hắn ta cao hơn 1m6 với mái tóc bạc sớm. Tuy nhiên, Frank nhanh chóng nhận ra dù có nói dối về tuổi tác, trình độ học vấn, công việc mới chỉ giúp hắn ta duy trì mức sống tối thiểu. Chàng trai trẻ khát khao một cuộc sống cao sang, sung túc.

Con đường dễ dàng nhất là sử dụng tấm ngân phiếu trắng Frank mang theo khi rời nhà. Mỗi tờ ngân phiếu đều có một dãy số seri khác nhau nhưng nếu chỉ thay đổi vài chữ số trong dãy đó, ngân hàng thường không phát hiện và vẫn rút được tiền. Mánh lừa đảo này rất hiệu quả trong những năm 1960, khi các ngân hàng chưa sử dụng công nghệ cao để lưu trữ dữ liệu.

Frank đã viết khống hàng trăm tấm ngân phiếu và rút về hàng nghìn USD. Nhưng hắn ta biết rằng nếu cứ tiếp tục như vậy, cảnh sát sẽ phát hiện. Cách tốt nhất là chuyển nơi ở và thay đổi danh tính. Trong khi đang mải suy nghĩ mình sẽ trở thành ai, Frank tình cờ bắt gặp một phi công và tiếp viên hàng không bên ngoài khách sạn Commodore, New York.

Frank nhận ra nếu khoác trên mình bộ đồ phi công, hắn ta sẽ lừa được nhiều tiền hơn vì các phi công có vẻ bề ngoài tương đối đáng tin cậy và được kính trọng. Khi thực hiện rút tiền, các giao dịch viên ngân hàng sẽ không mảy may nghi ngờ một người phi công. Từ đó, Frank bắt đầu thực hiện kế hoạch lừa đảo công phu của mình.

Những cuộc đời “dỏm”

Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3/2000, Frank cho biết đã liên hệ với đại lý của Công ty Hàng không Pan American Airlines (gọi tắt là Pan Am), tự xưng là một phi công đang làm việc cho hãng. Hắn ta đề nghị hãng cung cấp cho mình một bộ đồng phục mới gửi đến khách sạn ở New York do nhân viên khách sạn đã làm mất bộ đồng phục cũ. Bộ đồng phục mới lập tức được đưa đến trong ngày.

Để khiến bản thân trở nên đáng tin cậy hơn, Frank cần một tấm thẻ nhân viên và bằng lái phi công giả. Sau khi tìm hiểu, hắn ta được biết Công ty 3M chịu trách nhiệm làm thẻ và ID cho một số hãng hàng không, bao gồm Pan Am. Frank liên hệ với 3D, giả làm người mua hàng và sắp xếp một cuộc hẹn với phía đối tác.

Sau khi xem bảng catalogue, Frank đề nghị phía 3D làm một bản sao thẻ của Pan Am với tên, ảnh của hắn ta để mang về cho đồng nghiệp tham khảo. Phía 3D hỗ trợ Frank rất nhiệt tình. Tấm thẻ tham khảo gần như là bản sao hoàn toàn trùng khớp với thẻ thật của Pan Am nhưng không có logo.

Để giải quyết vấn đề này, Frank mua một chiếc máy bay mô hình của Pan Am, có bản sao logo đi kèm. Hắn ta gỡ bỏ logo trên mô hình và cẩn thận dán nó lên tấm thẻ nhân viên của mình.

Cùng lúc này, Frank đóng giả làm sinh viên nghiên cứu về các hãng hàng không và xin được phỏng vấn, trò chuyện cùng giám đốc điều hành hoặc ban quản lý của Pan Am. Nhờ vậy, hắn ta thu về rất nhiều thông tin giá trị gồm chính sách, quy định của công ty, các loại máy bay được sử dụng… Từ đó, Frank đã tự biến mình thành một phi công chính hiệu với những kiến thức chắc chắn về ngành hàng không.

Trên thân phận mới, Frank đã bay miễn phí 250 chuyến bay đến 26 nước và lưu trú ở rất nhiều khách sạn mà không tốn một đồng nào. Hắn ta thường chọn chuyến bay của các hãng hàng không khác do lo sợ bị phát hiện.

Frank Abaganale đóng giả làm phi công của Hãng Hàng không Pan Am.

Sau 2 năm làm phi công “dỏm”, Frank quyết định chuyển đến bang Georgia và tìm kiếm một “cuộc đời” khác. Khi điền mẫu đơn tìm nhà, hắn ta tùy tiện điền nghề nghiệp là bác sĩ do sợ nếu điền là hàng không Pan Am, chủ nhà sẽ liên hệ với hãng để xác minh thông tin. Hắn ta nói với chủ nhà mình là một bác sĩ nha khoa đang tạm thời nghỉ việc để tận hưởng cuộc sống.

Tình cờ không lâu sau đó, một bác sĩ thực thụ chuyển vào khu nhà Frank và làm quen với hắn ta. Ban đầu, Frank lo sợ bị phát hiện nhưng vị bác sĩ này không mấy bận tâm đến công việc chuyên môn của người bạn mới. Cả hai nhanh chóng trở nên thân thiết.

Sau này, khi vị bác sĩ này có việc bận, hắn ta đã nhờ Frank quản lý và hướng dẫn 7 thực tập sinh. Nhưng vì không có chuyên môn, Frank thường để các thực tập sinh tự do làm việc. Tuy nhiên, lâu dần Frank quyết định dời bỏ thân phận bác sĩ vì không muốn gây nguy hại cho tính mạng của người bệnh.

Chuyển đến bang Louisiana, Frank hẹn hò với cô gái trẻ người địa phương. Không công khai danh tính thật, Frank nói với người này mình là phi công lái phụ của hãng Pam Am và có bằng cử nhân luật. Tình cờ trong một bữa tiệc, bạn gái của Frank đã giới thiệu hắn ta với một luật sư làm việc tại tòa án bang Louisiana. Ấn tượng khi Frank chia sẻ có bằng cử nhân tại Trường Luật thuộc Đại học Harvard, người này đề nghị hắn ta về làm việc cho Văn phòng Chưởng lý Louisiana.

Frank quyết định làm giả học bạ và bằng tốt nghiệp Trường Luật. Hắn ta chăm chỉ tìm hiểu kiến thức về luật, cấu trúc đề thi vào cơ quan luật liên bang và thi thử 2 lần liên tiếp. Sau 2 tháng, Frank đã đỗ và được nhận vào Văn phòng Chưởng lý Louisiana khi mới 19 tuổi và làm việc ở đây 8 tháng.

Ngựa quen đường cũ

Frank (trái) xuất hiện trên sóng truyền hình Mỹ.

Lo ngại bản thân bị phát hiện khi đồng nghiệp mới vào là cử nhân Trường Luật Đại học Harvard thực thụ, Frank quyết định nghỉ việc, chuyển đến bang California và tiếp tục kiếm tiền từ việc viết ngân phiếu giả. Năm 1969, Frank quen biết một nữ tiếp viên hàng không của hãng Air France và dự định tiến tới hôn nhân.

Không muốn lừa dối vị hôn thê, Frank quyết định thú nhận toàn bộ câu chuyện lừa đảo của mình với hy vọng cô gái sẽ bỏ qua những thiếu sót và chấp nhận anh vô điều kiện. Tuy nhiên thay vì tha thứ, bạn gái của Frank đã tố giác mọi chuyện với FBI. Frank bị bắt tại thành phố Montpellier, Pháp, khi đang đi du lịch nhờ vào danh nghĩa phi công của Pan Am.

Khi cảnh sát Pháp bắt giữ siêu lừa, 12 quốc gia khác cũng yêu cầu dẫn độ để xét xử. Hắn ta bị trục xuất về Mỹ nhưng đã trốn thoát khỏi máy bay tại sân bay quốc tế JFK, thành phố New York và bị bắt lại ở Canada, bàn giao cho Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ.

Tháng 4/1971, Frank được cho là đã trốn thoát một lần nữa khỏi Trung tâm giam giữ liên bang tại bang Georgia nhưng lại bị bắt vào năm 1974 và thi hành án 12 năm tù giam. Tuy nhiên, sau 5 năm, chính quyền liên bang quyết định trả tự do cho Frank với điều kiện hắn ta phải hỗ trợ điều tra tội phạm lừa đảo.

Kể từ khi ra tù, Frank thường xuất hiện trên một số chương trình truyền hình với tư cách là một kẻ lừa đảo nổi tiếng. Năm 1980, hắn ta xuất bản cuốn sách “Catch Me If You Can” (Bắt tôi nếu có thể) kể lại cuộc đời “vào tù ra tội” của mình.

Tuy nhiên, phóng viên Alan C. Logan đã nghi ngờ câu chuyện của Frank sau khi xem bộ phim “Bắt tôi nếu có thể” được chuyển thể vào năm 2002. Alan bắt đầu tra cứu các bài báo cũ và những tài liệu đáng tin cậy để khám phá câu chuyện thật sự.

Hóa ra, Frank đã đóng giả làm phi công hãng TWA vài tuần để theo đuổi một nữ tiếp viên hàng không. Hắn ta đã cố gắng lấy lòng cha mẹ của cô gái trẻ bằng cách mời họ đến các nhà hàng sang trọng, mua tặng nhiều món quà đắt tiền từ ngân phiếu hắn ta lấy trộm của đôi vợ chồng tốt bụng. Frank bị lật tẩy và bị bắt một thời gian ngắn sau đó.

Theo báo cáo của cảnh sát địa phương, Frank phải ngồi tù từ năm 17 đến 20 tuổi. Điều này cho thấy, câu chuyện của Frank về những cú lừa khắp thế giới và bị FBI truy nã quốc tế là hoàn toàn sai sự thật.

Sau khi ra tù, Frank tổ chức các buổi trò chuyện nhỏ để kể lại câu chuyện cuộc đời mình nhưng dần dần bắt đầu phóng đại mọi việc. Hắn ta chủ động liên hệ với các nhà sản xuất chương trình truyền hình, báo đài. Nhờ tài ăn nói, hắn ta nhanh chóng chiếm được lòng tin của mọi người và trở nên nổi tiếng.

Suốt quãng thời gian này, không ít người liên quan đã lật tẩy câu chuyện của Frank là dối trá. Phát ngôn viên của hãng Pan Am cũng khẳng định câu chuyện của Frank không có thực và họ chưa bao giờ nghe đến sự vụ này. Tuy nhiên, thời điểm đó Frank đang ở thời kì đỉnh cao danh tiếng nên vụ việc nhanh chóng chìm vào quên lãng.

Từ khi cuốn sách “Bắt tôi nếu có thể” được chuyển thể thành phim dưới bàn tay của nhà sản xuất nổi tiếng Steven Spielberg với sự góp mặt của 2 diễn viên từng đoạt giải Oscar Leonardo Di Caprio và Tom Hanks, mọi người càng tin vào chuyện đời của Frank.

Đến nay, vẫn có những tranh luận trái chiều về tính chân thật trong câu chuyện đời của “siêu lừa” Frank. Dù không thể khẳng định đúng hay sai, những câu chuyện nửa thực nửa mê này đã đưa một kẻ lừa đảo trở thành nhân vật được yêu mến.

Theo giaoducthoidai.vn

The post Cuộc đời ‘nửa thực, nửa mê’ của siêu lừa nước Mỹ appeared first on Báo Mỹ.



source https://baomy.com/cong-dong/cuoc-doi-nua-thuc-nua-me-cua-sieu-lua-nuoc-my

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sài Gòn Báo

Kho tiền mặt của Chính phủ Mỹ còn bao nhiêu?

Úc gặp vấn đề vì quá nhiều kangaroo